Những nội dung cơ bản cần biết về bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên |
26-8-2021 |
CT |
Học sinh, sinh viên có phải bắt buộc mua BHYT theo trường? Theo quy định, học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc đối tượng tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng thì bắt buộc phải mua BHYT theo trường. HSSV thuộc nhóm đối tượng nào thì phải đóng BHYT theo trường? Vào năm học mới, một trong những khoản thu đối với HSSV là BHYT. Với khoản thu này, nhiều phụ huynh có chung băn khoăn rằng, HSSV có bắt buộc phải mua BHYT theo trường không? Khi nào HSSV phải bắt buộc mua BHYT theo trường? Theo Khoản 2 Điều 13 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự quy định tại Điều 12 của Luật này. Như vậy, nếu HSSV đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì sẽ đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự sau: 1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng 2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng 3. Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng 4. Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng 5. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình Mặt khác, theo Khoản 4 Điều 12 Luật này, HSSV thuộc nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Do đó, nếu HSSV chỉ thuộc đối tượng tham gia BHYT HSSV được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng thì bắt buộc phải mua BHYT theo trường. Còn nếu HSSV thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước đóng như người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo… sẽ không phải mua BHYT theo trường. Về chế tài xử lý đối với hành vi không đóng BHYT của cá nhân có trách nhiệm tham gia BHYT, theo khoản 1 Điều 57 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, đối tượng vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng, đồng thời buộc phải nộp số tiền phải đóng vào tài khoản thu của quỹ BHYT. Quyền lợi của HSSV khi gia bảo hiểm y tế - Được hỗ trợ mức đóng: HSSV khi tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng và theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 10% mức đóng theo quy định, tổng mức hỗ trợ là 40% (Năm học 2021-2022 số tiền thực tế mà HSSV phải đóng sau khi được ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương hỗ trợ là 482.760 đồng/12 tháng). - Được cấp thẻ BHYT. - Được lựa chọn đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu và đối nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu mỗi quý. - Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí do Quỹ BHYT trích lại dành cho y tế trường học: Ngay khi bắt đầu tham gia BHYT, HSSV được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại nhà trường như sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập. - Được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định (KCB nội trú, ngoại trú phục hồi chức năng, sử dụng dịch vụ kỹ thuật, chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền…). - Trường hợp cấp cứu được hưởng quyền lợi như khi KCB đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ (có xuất trình đủ thủ tục khi đi KCB). - Được cơ quan BHXH giải thích, cung cấp thông tin về BHYT. - Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ đảm bảo cho các em HSSV được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm được những rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, tạo điều kiện giúp các em được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc vận động HSSV, cũng như phụ huynh của các em tham gia BHYT HSSV. |
Số lượt xem:6748 |