Thứ 4, ngày 22 tháng 1 năm 2025
banner
Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2023
27-10-2023
Sáng ngày 27/10, Ban Dân tộc phối hợp với Ủy ban nhân huyện Đăk Hà tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2023.
Tham gia Hội thi có 5 đội thi là các đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; Cộng tác viên tuyên truyền ở cơ sở và cán bộ bán chuyên trách công tác dân tộc – tôn giáo tại các xã trên địa bàn huyện.



Các đội thi tranh tài ở 03 phần thi, gồm: Phần thi chào hỏi bằng hình thức sân khấu hóa; Phần thi Hỏi - đáp và phần thi tiểu phẩm. Nội dung thi xoay quanh các vấn đề như: Kiến thức về lịch sử văn hóa, đặc điểm tình hình các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2014) và các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình; các quy định pháp luật, tác hại và phòng chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống; hệ lụy của tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; chăm sóc giáo dục trẻ em…
Phát biểu tại Hội thi, ông Hà Hùng Duy – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền vận động, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS. Do vậy, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp đối với công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trong đó, cần chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đúng đối tượng; phát huy vai trò đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở, nhất là cán bộ xã, thôn. Cần linh động lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình và các biện pháp ngăn chặn như vận động Nhân dân trong cộng đồng không dự đám cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngay từ trong khu dân cư.
Đến với Hội thi năm nay, xã Đăk Long có 7 thành viên là các cán bộ đoàn – hội nòng cốt ở cơ sở. Đây là dịp để các thành viên được tiếp thu, lĩnh hội nhiều kiến thức và kỹ năng trong công tác tuyên truyền vận động tại địa phương.
Là đội trưởng đội thi, chị Y Gái – Cán bộ Mặt trận thôn Đăk Xế Kơ Ne, xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) cho biết: Bản thân tôi tôi rất vui khi tham gia Hội thi này vì được tiếp thêm nhiều kiến thức để về vận dụng vào quá trình tuyên truyền vận động tại địa phương theo nhiệm vụ của mình. Chúng tôi sẽ tuyên truyền trong chính gia đình mình, rồi mới tuyên truyền ra cộng đồng dân cư. Và phối hợp với các đoàn thể của thôn để tập trung tuyên truyền cho các em trong độ tuổi chưa đủ tuổi kết hôn về những hệ lụy của tảo hơn và hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và ảnh hưởng đến toàn xã hội”.



Theo ông U Điếu – Hội Nông dân xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, trong thời gian qua, nhận thức của một bộ phận người dân về Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa có sự chuyển biến rõ nét. Đặc biệt là đối với các hộ nghèo, đông con có đời sống kinh tế khó khăn.
Ông Điếu cho biết: Cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng cho con cái. Hiện trình độ nhận thức của người dân trên địa bàn xã không đồng đều. Những gia đình nào cha mẹ được học hành thì nhắc nhở các con được tốt, gia đình nào cha mẹ không được học hành thì việc giáo dục quản lý con cái rất khó. Vậy nên xã phải phối hợp với chi bộ, ban quản lý thôn và các ban ngành đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh để tuyên truyền cho các bậc cha mẹ tại nhà rông và tại gia đình về việc cho con kết hôn dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó thì cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân không sinh con thứ 3, để có điều kiện chăm sóc, giáo dục các cáu được tốt hơn.
Theo ông Trương Văn Thành - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đăk Hà: Với những nội dung thiết thực, thông qua các tình huống sát đúng với thực tiễn. Hội thi góp phần nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các em vị thành niên, thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số. Góp phần thực hiện hiệu quả các  mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trọng Nghĩa
Số lượt xem:1436
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Ho tro
PBGDPL Quốc gia
Hinh Anh

 

TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN VÀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HUYỆN ĐĂK HÀ - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Phòng Tư pháp huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Trưởng phòng Tư pháp huyện Đăk Hà.
Địa chỉ: Đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 02603.822262; Email: tuphapdakha@gmail.com.

355682 Tổng số người truy cập: 86 Số người online:
TNC Phát triển: