Tháng 1/2024, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà phối hợp với Công an huyện và UBND xã Đăk Long kiểm tra, phát hiện tại tiểu khu 324A (thuộc xã Đăk Long) xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác và tàng trữ lâm sản trái phép trên diện tích rừng được giao cho 6 hộ dân thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long quản lý, bảo vệ.
Ngày 13/01/2024, A Tuyếng, Nguyễn Mười, Nguyễn Văn Vụy và A Nghiệp bị Cơ quan điều tra Công an huyện Đăk Hà triệu tập đến làm việc. Tại Cơ quan điều tra, A Tuyếng, Nguyễn Mười, Nguyễn Văn Vụy và A Nghiệp đã khai nhận toàn bộ hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Đến ngày 21/01/2024, Phạm Văn Nhuệ đến Cơ quan điều tra Công an huyện Đăk Hà đầu thú và khai nhận về hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Quá trình điều tra, các đối tượng liên quan đến vụ phá rừng đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Căn cứ vào kết quả điều tra, các bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum truy tố về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" quy định tại khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã trung thực khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm; Tự nguyện khắc phục thiệt hại do hành vi của mình gây ra và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Qua xem xét hành vi, tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Nhuệ 33 tháng tù giam; phạt bị cáo Nguyễn Văn Vụy 20 tháng tù; phạt bị cáo A Nghiệp 14 tháng tù; phạt bị cáo A Tuyếng 27 tháng tù; xử phạt bị cáo Nguyễn Mười 25 tháng tù giam.
Việc đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công khai bảo đảm sự giám sát của nhân dân, của công luận đối với hoạt động xét xử của toà án, bảo đảm chức năng giáo dục của xét xử và tăng cường trách nhiệm của cơ quan xét xử trước pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trong vùng đồng bào DTTS.